Album hình ảnh

Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới 15/3/2019

5 năm trước

Ngày 15/3/1962, Tổng thống Hoa kỳ John F Kennedy là người đầu tiên trên thế giới phác thảo định nghĩa về các quyền của người tiêu dùng và để đánh dấu sự kiện này, Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế lấy ngày 15/3 hằng năm để kỷ niệm “Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới” (World Consumer Rights Day). Đây là một dịp để có sự tác động và đoàn kết toàn cầu trong phong trào người tiêu dùng quốc tế, trong đó các tổ chức người tiêu dùng cùng tham gia để làm nổi bật và nâng cao nhận thức về một vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới.

 

Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3 năm nay được Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) phát động triển khai với sự hưởng ứng tham gia của trên 200 thành viên CI tại  trên 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chủ đề ngày quyền của người tiêu dùng quốc tế năm 2019 là “Sản phẩm thông minh tin cậy” được đưa ra nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trên toàn thế giới đối với việc sản xuất, sử dụng và quản lý các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số đang ngày càng phát triển và không thể thay thế trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Các sản phẩm thông minh được kết nối với internet, nhận, thu thập và gửi dữ liệu. Trên toàn cầu hiện có trên 23,1 tỷ sản phẩm thông minh đang được sử dụng, và dự báo sẽ tăng lên gấp ba vào năm 2025 (theo Statista).

Do càng ngày càng có nhiều người truy cập trực tuyến trên toàn thế giới và việc kết nối internet của chúng ta càng trở nên tốt hơn và nhanh hơn, các sản phẩm thông minh sẽ trở thành hiện thực hàng ngày của người tiêu dùng ở khắp nơi đang đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cách mà người tiêu dùng tương tác với sản phẩm và dịch vụ.

Sự xuất hiện của công nghệ thông minh mang lại nhiều cơ hội cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận đến các dịch vụ mới, các sản phẩm đáp ứng được nhiều hơn, thuận tiện hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm này cũng đang gặp phải những vấn đề quan trọng cần được quan tâm giải quyết, đó là thiếu sự bảo mật, quyền riêng tư và sự lựa chọn có ý nghĩa đối với việc sử dụng các sản phẩm thông minh như thế nào, cũng như sự không rõ ràng về người chịu trách nhiệm đối với các sai sót xảy ra hoặc có một số vấn đề đang nổi lên xung quanh việc không tiếp cận được các công nghệ mới này đối với hàng triệu người trên thế giới do tiền trả phí dữ liệu quá cao, v.v...

Từ điện thoại thông minh đến các thiết bị điều khiển bằng giọng nói và TV thông minh, rất nhiều sản phẩm chúng ta đang sử dụng hàng ngày ngày càng được kết nối theo mặc định. Hiểu được sự những bất cập nổi lên trong những vấn đề về sản phẩm kỹ thuật số trên đây có nghĩa là chúng ta có thể lường trước được các thách thức và vận động để hỗ trợ cho người tiêu dùng ở mọi lúc, mọi nơi. Ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới 15/3 là cơ hội của chúng ta để nêu bật những gì mà người tiêu dùng muốn và cần từ một thế giới được kết nối và đặt họ vào trung tâm của sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số này.

Nhân ngày Quyền người tiêu dùng thế giới năm nay, Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế (CI) đã ra thông điệp và cổ vũ các thành viên tham gia các hoạt động kêu gọi các ngành công nghiệp và các cơ quan chính phủ có liên quan hãy hành động để cải thiện sự an ninh, an toàn dữ liệu số, bảo vệ người tiêu dùng và cải thiện khả năng tiếp cận của các sản phẩm thông minh.

Những lợi ích tiềm năng của các sản phẩm thông minh sẽ chỉ đạt được nếu các sản phẩm hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng mua (hoặc ký kết hợp đồng) được thiết kế đảm bảo độ tin cậy, sự riêng tư và bảo mật.

Cùng nhau làm việc trong những lĩnh vực sau đây sẽ là cần thiết để xây dựng một môi trường internet vạn vật đáng tin cậy và thịnh vượng cho người tiêu dùng, góp phần đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng cho sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số:

  • Đảm bảo cho người tiêu dùng có quyền truy cập vào kết nối internet tốc độ cao với giá cả phải chăng, cho phép họ nắm bắt các cơ hội mà công nghệ internet vạn vật mang lại;
  • Đảm bảo rằng các sản phẩm được kết nối của người tiêu dùng được bán có sự bảo mật cơ bản theo tiêu chuẩn và các bản cập nhật cần được cung cấp sau một khoảng thời gian hợp lý sau khi bán, sao cho tin tặc không thể truy cập được vào dữ liệu của người tiêu dùng hoặc thay đổi chức năng của sản phẩm;
  • Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng phải được bảo vệ đúng cách để giải quyết các tác hại tiềm ẩn như các thực tiễn phân biệt đối xử, tiếp thị mang tính xâm lấn, mất quyền riêng tư và vi phạm an ninh;
  • Các sản phẩm được kết nối phải thực hiện theo các tiêu chuẩn phần mềm và bằng thiết bị tương thích có khả năng kết nối để tránh các hiệu ứng khóa và tăng cường khả năng của người tiêu dùng trong việc dễ dàng so sánh và chuyển đổi nhà cung cấp.

Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế mong muốn ngày Quyền của Người tiêu dùng thế giới này có thế tiếp cận đến càng nhiều người ở nhiều quốc gia hơn bao giờ hết thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của việc giám sát và thực thi quyền của người tiêu dùng.