Ngày 15 tháng 3 hàng năm được Liên Hợp quốc chính thức tuyên bố là Ngày Quyền của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngày Quyền của người tiêu dùng được ra đời nhằm cổ vũ cho những quyền cơ bản của người tiêu dùng, phản đối các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, qua đó đề cao vai trò và vị thế của người tiêu dùng, đẩy mạnh công cuộc bảo vệ người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Công tác bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam từ lâu đã được quan tâm khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) được thành lập từ 2/5/1988. Hội thành lập với mục đích làm cho những người quan tâm đến những vấn đề bức xúc nhất của người tiêu dùng trong từng thời kỳ và tạo ra một diễn đàn để người tiêu dùng lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Lãnh đạo Đảng và nhà nước cũng rất quan tâm và biết rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ người tiêu dùng bằng Luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đánh của người tiêu dùng.
Có mặt trong buổi hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch VINASTAS, ông Lương Đăng Ninh – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn, Bà Trịnh Thị Phượng – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn cùng đông đảo doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Liên quan đến chủ đề “Dinh dưỡng lành mạnh”trong năm 2015, ông Lương Đăng Ninh cho biết công tác bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn từ lâu đã được các cấp, các ngành quan tâm đến và chỉ đạo triển khai tích cực. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Lạng Sơn là tổ chức đại diện cho người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn tham gia vào các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Ông Ninh còn đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về việc người tiêu dùng bị qua mặt, bị nhiều tiểu thương, doanh nghiệp lừa dối bán hàng kém chất lượng, hàng nhái cho người tiêu dùng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của con người. Mặc dù vậy nhưng người tiêu dùng vẫn chưa biết mình phải khiếu kiện như thế nào và ở đâu. Ông còn đưa ra một con số khá giật mình khi có tới 40% cân tại một chợ khá nổi tiếng ở Lạng Sơn không hợp pháp có nghĩa là không đủ tiêu chuẩn để lưu hành ( Không có tem kiểm định). Chính vì vậy người tiêu dùng nên biết đến những quyền lợi chính đáng của mình, sẵn sàng hợp tác với các tổ chức, cá nhân để cùng đấu tranh những hàng vi xâm phạm lợi ích chính đáng của mình.
Để giới thiệu sâu hơn về quyền lợi của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch VINASTAS giới thiệu Luật Bảo vệ người tiêu dùng bao gồm toàn bộ quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng trong đó ông nhấn mạnh “Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua và sử dụng”.
Bà Trình Thị Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm nêu ra một con số đáng sợ khi có tới 60% các cơ sở sản xuất không đạt tiêu chuẩn khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra. Ngoài ra bà cũng chỉ ra rất nhiều thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm như có tới 4.821/6.910 cơ sở được kiểm tra thì có tới 343 cơ sở bị cảnh cáo, 200 cơ sở bị xử phạt hành chính. Chính vì vậy nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng là rất cao. Chính vì vậy bà cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải biết đến quyền lợi của mình để bảo vệ chính mình khỏi các nguy cơ an toàn thực phẩm. Bảo vệ gia đình khỏi những cơ sở sản xuất không đạt tiêu chuẩn hay không có sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng.