Sự thông minh của một thành phố không phải là công nghệ gì mà là công nghệ đang được sử dụng như thế nào, như một phần của cách tiếp cận rộng hơn, để giúp thành phố hoạt động một cách hiệu quả, cả trong các hệ thống đơn lẻ cũng như trong toàn bộ hệ thống. Nó xây dựng trên nền tảng hiện có trong thành phố và cho phép thiết lập một tầm nhìn hấp dẫn hơn, theo một đường hướng mới và hiệu quả hơn định hướng tới tương lai.
Trên thế giới hiện đưa ra nhiều khái niệm khác nhau về TPTM, nhưng chưa có được một định nghĩa, thống nhất, chính thức về TPTM. Tuy nhiên, một số tiêu chí chính sau đây được các tổ chức quốc tế, các nước lựa chọn để đánh giá và làm tiêu chí xây dựng Thành phố thông minh (6 tiêu chí chủ yếu) là: + Nền kinh tế thông minh; Giao thông thông minh; Môi trường thông minh; Quản lý đô thị hiện đại (Chính quyền thông minh); Giáo dục thông minh; Y tế thông minh...
Đã có nhiều thành phố trên thế giới đã và đang xây dựng TPTM. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển của xã hội loài người. Các TPTM được nhóm trong bốn khu vực bao gồm Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh và Châu Âu có nhiều TPTM nhất trên thế giới. Các nước Châu Âu hướng tới việc môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh,...Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương: hướng nhiều hơn đến việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực để triển khai ứng dụng thông minh trong chính quyền, y tế, giao thông, giáo dục, quản lý đô thị... Qua nghiên cứu một số mô hình: San Francisco, Riode Janeiro, Amsterdam, Copenhagen, Seoul, Tokyo, Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, Đài Bắc ... cho thấy các thành phố trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang trên con đường để trở thành TPTM.
Quá trình bùng nổ ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tổ chức, quản lý Nhà nước ở mọi quốc gia và hình thành nên các xu hướng rõ rệt. Giai đoạn trước 2010 là xây dựng Chính phủ điện tử, giai đoạn sau 2010 là xu hướng xây dựng TPTM. Nước ta cũng không nằm ngoài xu hướng đó, song có trễ hơn. Đến nay, cả nước chủ yếu tập trung xây dựng Chính quyền điện tử các cấp, mới chỉ có Thành phố Đà Nẵng là xây dựng “Đô thị thông minh hơn” bắt đầu từ năm 2012, thành phố Hà Nội đang triển khai đề án “Đô thị thông minh hơn” giai đoạn 2015-2025 và định hướng đến 2030”. Một số tỉnh, thành phố khác như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh... đang sẵn sàng cho quá trình xây dựng TPTM.
Hoạt động tiêu chuẩn hóa luôn đồng hành phục vụ quá trình xây dựng TPTM. Hiện nay, nhiều tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và quốc gia đã, đang và tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn về TPTM. Trong thực tế hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế hiện nay, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh viễn thông quốc tế (ITU)... giữ vai trò chủ đạo, định hướng cho việc xây dựng, phát triển các công nghệ về TPTM. Và thực sự ISO, IEC và ITU là 3 tổ chức quốc tế hàng đầu trong xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về TPTM. Các tổ chức này phối hợp chặt chẽ với nhau trong xây dựng các tiêu chuẩn về quản lý hạ tầng ITC, hệ thống quản lý và các sản phẩm ứng dụng trong giao thông thông minh, tiết kiệm nước, hiệu suất năng lượng, nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, IoT, BigData, kiểm soát môi trường, quy hoạch đô thị, công trình xanh, truy xuất nguồn gốc (ví dụ như các Liên ban kỹ thuật, Ban/ Tiểu ban kỹ thuật, Nhóm nghiên cứu đặc trách: ISO/IEC JTC 1, TC 59/SC17, TC 163, TC 205, TC 242, ISO TC 268, IEC/SEG 8, IEC/ SyC Smart Cities, IEC/SC 8A, IEC/TC 57, IEC/TC 65, ITU-T SG20, ITU-R SG5, ITU-T FG NET2030, ITU-T SG11... Các tiêu chuẩn quốc tế này là cơ sở quan trọng để trên 170 quốc gia thành viên tham khảo, xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia, thúc đẩy tínhthống nhất và phát triển bền vữngTPTM toàn cầu. Khung tiêu chuẩn hóa đối với TPTM đã phân chia rõ phạm vi của các vai trò và trách nhiệm đối với việc tham gia của các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Theo báo cáo về TPTM của ISO/IEC JTC1, các tiêu chuẩn về TPTM có thể phân chia thành bốn loại theo Hình sau.
Trong đó:
- Hình ê-líp màu đỏ thể hiện phạm vi tiêu chuẩn hóa của ISO;
- Hình ê-líp màu xanh lá cây thể hiện phạm vi tiêu chuẩn hóa của IEC.
- Hình ê-líp màu xanh dương thể hiện phạm vi tiêu chuẩn hóa của ISO/IEC/JTC 1;
- Hình ê-líp màu tím thể hiện phạm vi tiêu chuẩn hóa của ITU-T.
Như vậy qua Hình trên có thể thấy: Thuộc phạm vi tiêu chuẩn hóa của ISO gồm:
- Khung tổng quan, thuật ngữ và định nghĩa cho các thuật ngữ quan trọng liên quan đến TPTM trong từng loại và giữa bốn loại tiêu chuẩn này.
- Tiêu chuẩn về quản lý và đánh giá TPTM: Qui hoạch chiến lược và xây dựng quan hệ đối tác; Tiến hành và triển khai; Quản lý và quản trị; Khả năng phục hồi và khôi phục thảm họa; Ước lượng và đánh giá.
- Tiêu chuẩn về các dịch vụ cho TPTM: Chính phủ điện tử; Giao thông; Logistics; An ninh công cộng; Chăm sóc Y tế; Quản trị cơ sở hạ tầng đô thị; Tài nguyên và năng lượng; Bảo vệ môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Cộng đồng và hộ gia đình.
- Tiêu chuẩn hạ tầng vật lý và tòa nhà: Qui hoạch đô thị; Xây dựng và thiết kế carbon thấp; Hệ thống tòa nhà thông minh; Lập mô hình thông tin tòa nhà (BIM); Hệ thống giao thông; Mạng lưới đường ống dẫn đô thị.
Thuộc phạm vi tiêu chuẩn hóa của IEC:
- Khung tổng quan công nghệ thông tin, kiến trúc và mô hình thông tin; An toàn thông tin và mạng; Tiêu chuẩn lớp truyền thông (Mạng giao vận, quang học; Mạng truy cập; 3G, 4G; Internet).
Thuộc phạm vi tiêu chuẩn hóa
của ISO/IEC/JTC 1: Tiêu chuẩn lớp cảm ứng: RFID; Mã vạch; Mã QR; Video; GPS; Sóng âm bề mặt.
Thuộc phạm vi tiêu chuẩn hóa của ITU-T:
- Tiêu chuẩn về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): Khung tổng quan công nghệ thông tin, kiến trúc và mô hình thông tin; An toàn thông tin và mạng; Tiêu chuẩn lớp hỗ trợ và ứng dụng (SOA; Thể hiện thông tin; Lập quyết định); Tiêu chuẩn lớp dữ liệu (Điện toán đám mây; Trao đổi thông tin; Cơ sở dữ liệu; Hệ thống thông tin địa lý –GIS); Tiêu chuẩn lớp cảm ứng (RFID; Mã vạch, Mã QR; GPS).
Ngoài ra các tổ chức tiêu chuẩn hóa khu vực cũng tích cực xây dựng các tiêu chuẩn về TPTM như: Ủy ban Châu Âu về Tiêu chuẩn hóa/ Ủy ban Châu Âu về Tiêu chuẩn kỹ thuật điện (CEN/CENELEC) và Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI): Đã thiết lập Nhóm phối hợp để bao trùm phạm vi tiêu chuẩn hóa cho Cộng đồng và TPTM, bền vững: Xây dựng các tiêu chuẩn châu Âu và thiết lập một nhóm hành động về các tiêu chuẩn và chỉ số đối với Cộng đồng và TPTM để khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan trong phạm vi lĩnh vực này;
Nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia cũng vậy, cũng xây dựng các tiêu chuẩn về TPTM như:
Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ (ANSI): Duy trì mạng ANSI về
TPTM và bền vững; với việc hỗ trợ xây dựng và chấp nhận 02 tiêu chuẩn ISO: ISO 18091:2014; Hệ thống quản lý chất lượng - Hướng dẫn áp dụng ISO 9001:2008 tại chính quyền địa phương; ISO 37120:2014; Xây dựng cộng đồng bền vững - Các chỉ số đối với dịch vụ thành phố và chất lượng sống.
- Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia (NIST): Xây dựng Khung tổng quan cho TPTM trên cơ sở Internet kết nối vạn vật (IoT) và thách thức đối với các thành phố toàn cầu: Xây dựng các hướng dẫn và qui định kỹ thuật: Khung ứng dụng (Sự mở rộng, lợi ích và đo lường tính sẵn sàng của thành phố); Các điểm quan trọng về khả năng liên thông (PPI): Xem xét về các mô tả và định danh PPI chung hiện có.
- Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI): Xây dựng các thuật ngữ và thông hiểu chung đối với TPTM. Khung tổng quan để ra quyết định đối với lãnh đạo TPTM và các mô hình chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức trong thành phố: PAS 180; TPTM - Từ vựng; PAS 181; Tiêu chuẩn khung cho TPTM
- Hướng dẫn thiết lập chiến lược cho thành phố và cộng đồng thông minh; PAS 182; Mô hình khái niệm dữ liệu TPTM; PD 8100; Tổng quan TPTM - Hướng dẫn cho nhà quản lý thành phố; PD 8101; TPTM - Hướng dẫn vai trò việc lập kế hoạch và quá trình phát triển; BS 8904; Hướng dẫn phát triển bền vững cộng đồng đưa ra một khung quyết định để giúp việc thiết lập các mục tiêu đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng của các bên liên quan; BS 11000; Quản lý mối quan hệ cộng tác;
- Tổ chức tiêu chuẩn Đức (DKE/ DIN): Xây dựng lộ trình tiêu chuẩn hóa TPTM tại Đức bao gồm 06 lộ trình tiêu chuẩn hóa về: Môi trường xung quanh hỗ trợ cuộc sống (AAL
- Ambient Assisted Living); Di động điện tử (e-Mobility); Năng lượng điện tử/Lưới điện thông minh; Tòa nhà thông minh và xây dựng; Công nghiệp 4.0; An toàn công nghệ thông tin.
- Tổ chức Tiêu chuẩn Tây Ban Nha (AENOR): xây dựng 13 tiêu chuẩn trong TPTM và chấp nhận 01 tiêu chuẩn ISO: PNE 178101 TPTM
- Hạ tầng - Thước đo cho mạng dịch vụ công cộng; PNE 178102 TPTM - Hạ tầng - Mạng cục bộ đa dịch vụ; PNE 178103 TPTM - Hạ tầng - Sự hội tụ các hệ thống quản lý và kiểm soát trong TPTM; PNE 178104 TPTM - Hạ tầng - Hệ thống toàn diện cho TPTM; PNE 178105 TPTM - Hạ tầng - Truy cập phổ cập, quy hoạch sử dụng đất và đô thị; PNE 178106 TPTM - Hạ tầng - Hướng dẫn về đặc tính kỹ thuật cho công trình công cộng; PNE 178201 TPTM - Định nghĩa, yêu cầu và chỉ số; PNE 178301 TPTM - Dữ liệu mở; PNE 178303 TPTM - Quản lý tài sản của thành phố - Qui định kỹ thuật; PNE 178302 TPTM - Khả năng liên thông của các trạm sạc - Yêu cầu tối thiểu cho khả năng liên thông của hạ tầng sạc điện cho các phương tiện; PNE 178401 TPTM - Chiếu sáng đường phố - Loại hình điều khiển từ xa theo phân vùng; PNE 178501 Hệ thống quản lý cho các điểm đến du lịch thông minh; PNE 178502 Chỉ số về các điểm đến du lịch thông minh; PNE-ISO 37120 chấp nhận hoàn toàn ISO 37120 về các chỉ số bền vững trong đô thị;
- Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Ba Lan (PKN): Xây dựng các Khuyến nghị đối với hoạt động tiêu chuẩn hóa cho TPTM bền vững; Nhóm đặc nhiệm của PKN về phát triển cộng đồng và TPTM bền vững công tác với CEN-CELENECT-ETSI và gồm 2 nhóm chủ đề: GT 1-2 để tập hợp các thuật ngữ và liên hệ với các bên liên quan; GT 3 để thu thập thông tin, xây dựng và triển khai các chương trình công tác: Tập hợp thông tin về các sáng kiến đối với TPTM ở Ba Lan;
- Ban Tiêu chuẩn hóa Công nghệ thông tin quốc gia Trung Quốc (GB): Bắt đầu tham gia vào công tác tiêu chuẩn hóa về TPTM: Báo cáo điều tra tình hình TPTM và nhu cầu tiêu chuẩn ở Trung Quốc; Báo cáo nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn về TPTM ở Trung Quốc; Bắt đầu nghiên cứu một số hạng mục về TPTM như Thuật ngữ, Mô hình tham chiếu, Mô hình đánh giá, v.v; Xây dựng Hướng dẫn triển khai đối với TPTM.
Một số các Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn khác:
- Viện Kỹ nghệ Điện và Điện tử (IEEE) (Mỹ): tiến hành trên 150 dự án tiêu chuẩn về TPTM gồm: Lưới điện thông minh; Internet kết nối vạn vật (IoT); Y tế điện tử; Hệ thống giao thông thông minh (ITS); Khả năng liên thông thông minh (bộ IEEE 2030) về mô hình tham chiếu khả nưng liên thông lưới điện thông minh (SGIRM); Các mạng lưới điện thông minh (bộ IEEE 1901); Kết nối mạng và truyền thông, bao gồm cả trong nhà; An toàn không gian mạng; Tự động hóa các trạm con; Khả năng phục hồi; Chất lượng nguồn điện và hiệu suất năng lượng;
- Nhóm đặc nhiệm kỹ thuật Internet (IETF): xây dựng các về Internet đặc biệt tiêu chuẩn về IP có trên mạng cá nhân không dây công suất thấp (6LoWPAN) là tiêu chuẩn ở lớp truyền thông trong TPTM;
- Tổ chức vì sự tiến bộ của tiêu chuẩn thông tin có cấu trúc (OASIS): OASIS thúc đẩy sự đồng thuận trong ngành công nghiệp và tạo ra các tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong phạm vi an toàn thông tin, Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, năng lượng, công nghệ nội dung, quản lý khẩn cấp và các lĩnh vực khác;
- Tập đoàn mạng toàn cầu (W3C): Đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng đối với một cơ sở hạ tầng Web đầy đủ nhằm mục đích đưa các phát minh kỹ thuật của Web bằng cách thúc đẩy khả năng tương tác./.
TS. Hà Minh Hiệp, ThS. Nguyễn Văn Khôi, CN. Trần Duy Tài