Hội địa phương

Hoạt động bảo vệ QLNTD tỉnh Bến Tre năm 2012

12 năm trước

Năm 2012, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Hoạt động bảo vệ QLNTD tỉnh Bến Tre năm 2012
 
Giai đoạn 2009 - 2011, có 02 hội, đến năm 2012 phát triển thêm 01 hội, nâng tổng số Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên 03 hội (01 hội tỉnh và 02 hội huyện, thành phố) đạt 150%.

Đồng thời, huyện Thạnh Phú đã thành lập Ban vận động, đang hoàn tất hồ sơ trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định thành lập. Song song với việc phát triển mạng lưới hội, số lượng hội viên tham gia Hội Bảo vệ quyền lợi người cũng tăng so với trước đây. Trong giai đoạn 2009 - 2011, có 265 hội viên, đến năm 2012 phát triển thêm 112 hội viên, nâng tổng số hội viên tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của toàn tỉnh lên 377 hội viên, tăng 211,57%.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm qua đã chú trọng công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức khác nhau như mở lớp tuyên truyền pháp luật; thông tin trên website, báo Xuân của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh; Báo Người tiêu dùng của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; in ấn tài liệu gửi đến các địa phương để lồng ghép trong các cuộc họp mở rộng của UBND xã, phường, thị trấn, tổ nhân dân tự quản...nhằm trang bị kiến thức pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho nhân dân. Kết quả đã tổ chức 03 lớp tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho cán bộ công chức, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ và người tiêu dùng trên địa bàn huyện Thạnh Phú, Bình Đại và Giồng Trôm với 378 đại biểu tham dự; gửi đăng tải 10 bài và hình ảnh về những quy định công nhận doanh nghiệp tin cậy vì Người tiêu dùng; danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung...trên trang Web Sở Công Thương.

Công tác tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng năm 2012, các Hội đã tư vấn, giải quyết 18 đơn thư khiếu nại và phản ánh của người tiêu dùng. Tính chất các vụ việc khiếu nại liên quan đến hàng hóa bị kém chất lượng như bia, nước giải khát bị chua, có cặn; tole lợp nhà bị nổ; điện thoại di động, ti vi... không được bảo hành; sử dụng dịch vụ bưu chính bị mất hàng hóa nhưng không được bồi thường...Trong đó, có 11 vụ đủ điều kiện hòa giải thành, đạt 100%; 05 vụ không đủ điều kiện giải quyết, Hội đã tư vấn cho người tiêu dùng thương lượng với người kinh doanh và 02 vụ chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết.

Ngoài ra, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn thực hiện tốt trách nhiệm thành viên của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Hội đồng Tư vấn xét duyệt cấp Giấy chứng nhận hành nghề khám chữa bệnh của Sở Y tế Bến Tre.

Đặc biệt năm 2012, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được UBND tỉnh Bến Tre công nhận là Hội có tính chất đặc thù và trong 3 năm liên tục (2010, 2011, 2012), Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, UBND Tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre tặng Bằng khen có thành tích đóng góp vào phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thành tốt nhiệm vụ của Hội năm 2011 và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh Bến Tre .

Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua cũng còn những mặt hạn chế như chưa mở được nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa nên nhiều người tiêu dùng chưa biết trong tỉnh có tổ chức để bảo vệ quyền lợi cho mình. Công tác phối hợp thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa nhiều; một số cơ quan chưa nhận thức tốt về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “trách nhiệm chung của Nhà nước và của toàn xã hội”; kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế. Do vậy, nếu công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sự quan tâm đúng mức sẽ có ý nghĩa chính trị rất to lớn. Bởi vì, người tiêu dùng có vai trò tác động phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, do đó không chăm lo, bảo vệ người tiêu dùng thì sản xuất và phát triển kinh tế chưa đạt được sự phát triển ổn định và bền vững.

Năm 2013, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản pháp luật khác có liên quan, chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong Tỉnh; tiếp tục hỗ trợ từ 1 đến 2 huyện thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương; thực hiện công tác tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng và các công tác khác liên quan theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vấn đề cơ bản là các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải làm tốt vai trò nòng cốt, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp tích cực tham gia sẽ có hiệu quả cao hơn. Đồng thời, sự cần thiết ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các cấp theo chức năng cần tổ chức thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngành, địa bàn phụ trách. Mặt khác cũng cần quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm giúp cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp có nguồn lực hoạt động hiệu quả./.


Các bài viết khác