Sự kiện do Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Ông Phó Đức Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Phó Đức Sơn, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (Vinastaq), trong những năm gần đây, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đang được người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là canh tác an toàn, có kiểm soát và không sử dụng hóa chất từ phân bón, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng…
Nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh, chứng nhận các sản phẩm hữu cơ. Đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý, các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bộ KH&CN cũng đã công bố nhiều Tiêu chuẩn quốc gia về NNHC, về hoạt động chứng nhận sản phẩm NNHC nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất NNHC nói riêng góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Lê Thành Hưng chia sẻ thông tin về bộ tiêu chuẩn TCVN về nông nghiệp hữu cơ.
Hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới khi áp lực về lương thực giảm, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức khi chưa đẩy mạnh áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ vào phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp để khuyến khích phát triển, ông Sơn cho biết.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Thành Hưng, thư ký Ban Kỹ thuật TCVN về sản phẩm hữu cơ (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam) cho biết, đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ. Đây là bộ Tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bộ Tiêu chuẩn này được thực hiện trên cơ sở tham khảo các Tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như: Mỹ, EU, Nhật Bản...
Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ được xác định là cơ sở quan trọng để nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp thực hành nông nghiệp hữu cơ áp dụng. Bộ tiêu chuẩn quy định đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ đưa ra các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại các trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing và đưa ra các yêu cầu đối với vật tư đầu vào như: Phân bón, yêu cầu về ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh cây trồng, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến, ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, Bộ tiêu chuẩn này bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, tránh gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm không có căn cứ; bảo vệ cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ trước việc các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương thức khác bị hiểu sai là hữu cơ. Các tiêu chuẩn này nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần tăng cường áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam để thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ.
Theo Viet Q