Album hình ảnh

Doanh nghiệp Đà Nẵng chung tay bảo vệ người tiêu dùng

10 năm trước

Hưởng ứng ngày tiêu dùng thế giới 15/3, tại Đà Nẵng, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Doanh nghiệp Đà Nẵng cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn thành phố .

Trao đổi tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời năm 2011 tuy nhiên, những tác động của nó chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả. Có nhiều nguyên dân dẫn đến điều này, trong đó chủ yếu là người tiêu dùng chưa thực sự có ý thức đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng. Theo một khảo sát năm 2010 do Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Thành phố Đà Nẵng thực hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, 50% người tiêu dùng chọn phương án giải quyết khi mua phải hàng hóa dịch vụ có vấn đề là bỏ qua và không mua lại lần sau, 43% chọn phàn nàn và yêu cầu người bán đổi sản phẩm; chỉ có 7% chọn khiếu nại với các cơ quan chức năng.

Ông Lữ Bằng- Phó giám đốc Sở Công Thương- Chi cục trưởng QLTT TP Đà Nẵng cho biết: “Thực tế vẫn còn nhiều trường hợp người tiêu dùng bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng không phản ánh đến các cơ quan chức năng hay Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên chưa thể đánh giá một cách đầy đủ thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức kinh doanh.

Hàng năm số vụ việc vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng do lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý ngày càng tăng. Tại Đà Nẵng, trong năm 2013 Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra 5.375 vụ việc, trong đó xử lý 4.309 vụ tăng 41% so với năm 2012. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức cá nhân kinh doanh chưa cao .

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Mân, Phó giám đốc Công ty TNHH Gas Petrolimex Đà Nẵng cho biết: “Người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản theo Công ước Quốc tế, tuy nhiên người tiêu dùng không hề biết. Đặc biệt, họ không có cơ hội để thực hiện “quyền được lựa chọn” vì sự thiếu vắng thông tin và thông tin không chắc chắn về sản phẩm cần mua như nguồn gốc, xuất xứ, cách kiểm tra thông tin sản phẩm, nên rất dễ mua phải hàng hóa dịch vụ kém chất lượng. Chỉ một số ít bộ phận người tiêu dùng có khả năng tiếp xúc thường xuyên với các phương tiện truyền thông đại chúng cố gắng tự trang bị kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông minh, còn lại đa số phó mặc vào lương tâm người bán hàng.

Không riêng chi người tiêu dùng, ngay nhiều doanh nghiệp cũng lên tiếng bức xúc vì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, trong khi người tiêu dùng lại chưa đủ thông tin, kiến thức để phân biệt sản phẩm. Như ông Phan Hải, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng nói: Hiện nay các sản phẩm hàng hóa rất đa dạng phong phú, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nên cũng có nhiều rủi ro. Chúng ta cần nêu cao tính trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, …Hay ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế cho rằng cần phải phổ biến đến từng tổ dân phố, quán triệt vận động người dân nâng cao ý thức tố cáo những cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.