Album hình ảnh

Công tác quản lý chất lượng MBH tại Tp Hồ Chí Minh

7 năm trước

Tính đến tháng 3 năm 2017 số lượng mô tô, xe máy mang biển kiểm soát của thành phố Hồ Chí Minh lên đến trên 7(bảy) triệu xe. Ngoài ra, hàng ngày còn có nhiều mô tô, xe máy mang biển kiểm soát các tỉnh, thành khác lưu thông trên địa bàn TP. HCM..

Thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đánh giá là một trong số địa phương dẫn đầu trong cả nước về chấp hành tốt quy định đội mũ bảo hiểm với tỷ lệ  đội mũ trung bình cả thành phố  là 90 % (trong đó nội thành 95 % - 98 %  và ngoại thành 85 % - 90 %).

 Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất và phân phối mũ bảo hiểm trên toàn quốc. Theo Chi cục Quản lý thị trường, trên địa bàn TP.HCM có 44 cơ sở sản xuất MBH; 564 cơ sở phân phối MBH  cố định, 87 điểm bán trên vỉa hè và 18 xe đẩy lưu động.

Với thực trạng nêu trên lãnh đạo của TP. HCM cũng đã dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này. Vừa qua Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã ký văn bản kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện rà soát quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH dành cho người đi mô tô, xe máy. Theo đó, cần quy định thêm các yêu cầu kỹ thuật đối với các linh kiện (vỏ mũ, mút xốp lót mũ) dùng để lắp ráp MBH. Đồng thời, cũng kiến nghị Bộ Công an và Bộ GTVT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định chế tài đối với các trường hợp người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đội mũ không phải là MBH dành cho người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy. Đồng thời UBND thành phố cũng luôn chỉ đạo sâu sát các cơ quan quản lý chức năng  của thành phố thực hiện quyết liệt việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm trong sản xuất cũng như lưu thông trên thị trường.

Năm 2013, nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm (MBH)  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Để triển khai thực hiện chỉ thị này, UBND thành phố đã có Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND và  ban hành kế hoạch số 2383/KH-UBND ngày 20/5/2013 về tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích ngăn chặn kịp thời các loại mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng lưu thông ngoài thị trường, đồng thời  đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện.

Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về  chất lượng mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gồm: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ); Chi cục quản lý thị trường (thuộc Sở Công thương). Ngoài ra còn có  sự tham gia của  Ban an toàn giao thông (thuộc Ủy ban nhân  dân thành phố Hồ Chí Minh);  Công an TP. HCM và Phòng Kinh tế các quận, huyện.

Thực hiện chỉ đạo của UBND các cơ quan quản lý chất lượng mũ bảo hiểm của thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như:

a)  Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Phối hợp với các UBND quận/huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm cho các đối tượng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm; hướng dẫn người tiêu dùng cách chọn lựa, sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng (tổ chức 14 lớp với hơn 1000 lượt người tham dự);

- Công bố công khai trên website và Bản tin TBT của Chi cục danh sách các cơ sở sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm đã thực hiện công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy để người tiêu dùng biết và lựa chọn mũ bảo hiểm đạt chất lượng; đồng thời cung cấp thông tin để đăng tải trên website của Sở Khoa học và Công nghệ.

- Tích cực tham gia phong trào “Toàn Sở Khoa học và Công nghệ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn”, đại diện Lãnh đạo Sở và các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc cùng ký bản cam kết với chỉ tiêu 100 % cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đồng thời vận động gia đình và người thân cùng đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

- Phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố thẩm định hồ sơ các cơ sở tham gia chương trình “Đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá”, đồng thời phối hợp cung cấp nội dung thông tin tuyên truyền về chọn và sử dụng mũ bảo hiểm an toàn.

- Tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành giám sát chất lượng mũ bảo hiểm của các cơ sở tham gia chương trình “Đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá” do Ban An toàn giao thông Thành phố chủ trì. Qua đó đề xuất với UBND Thành phố danh sách các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng được tham gia chương trình.

- Phối hợp cùng Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ  thanh tra tại 24 đơn vị sản xuất, xử lý 09 đơn vị có mũ bảo hiểm có chất lượng không phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02: 2008/BKHCN.

- Phối hợp với Phòng Kinh tế các quận, huyện  thực hiện việc  kiểm tra tại 74 cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Các phòng Kinh tế quận/ huyện đã tịch thu, tiêu huỷ hơn 1000 chiếc mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các cửa hàng kinh doanh, điểm bán trên  vĩa hè, lề đường.

b)  Chi cục quản lý thị trường

Triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Cục quản lý thị trường, Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 963/KH-QLTT-NV với nhiều  kết quả cụ thể. Từ năm 2013 đến hết tháng 6/2016, lực lượng này đã tiến hành kiểm tra 676 vụ, trong đó có 298 vụ buôn bán MBH không có chứng từ hóa đơn, nguồn gốc, xuất xứ và MBH nhập lậu, không chứng nhận hợp quy; 11 vụ bán mũ giả nhãn hàng hóa, địa chỉ sản xuất không có thật.Qua đó, Chi cục Quản lý thị trường đãphạttiền 160 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 58.788 MBH các loại, và 69kg phụ liệu các loại. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 3 tỷ đồng.

c)  Ban An toàn giao thông

- Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để triển khai kế hoạch và tuyên truyền, cổ động trực quan cho việc đội mũ bảo hiểm. Xây dựng các phóng sự về việc đội mũ bảo hiểm phát trên các kênh như VTV – 90 lượt; HTV – 120 lượt; phát trên 200 000 tờ rơi hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách và nhận biết mũ bảo hiểm đạt chất lượng.

- Tuyên truyền trực tiếp tới đối tượng mục tiêu về sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Phát trên 200 000 tờ rơi tới phụ huynh các trường trong thành phố.

- Tổ chức các sự kiện như Hội thi lái xe an toàn; Chương trình “ Đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá”; treo băng rôn dọc trên các tuyến đường ; đặt pano trước cổng trường; v.v…

d) Công an thành phố HCM:

- Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả; tạm giữ 12.546 mũ bảo hiểm, tiêu hủy 987 cái, phạt hơn 52 triệu đồng và giải tỏa 48 điểm bày bán mũ bảo hiểm trên lòng lề đường. Hơn 200 nghìn người lái xe không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không đúng quy định bị xử lý.

Mặc dù công tác quản lý chất lượng MBH trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nêu trên song so với yêu cầu quản lý của một thành phố đông dân  nhất nước thì còn nhiều việc phải giải quyết. Trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp chung sau:

a) Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích việc chấp hành đội MBH, nên chọn mua và sử dụng những MBH đảm bảo chất lượng, hợp chuẩn để bảo vệ chính mình;

b) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng như địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, phân phối MBH, xóa bỏ các điểm bán MBH lưu động, trên vĩa hè, lề đường; phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, lắp ráp MBH kém chất lượng, không đủ điều kiện sản xuất và không thực hiện việc chứng nhận hợp quy đối với MBH.

Với trách nhiệm của Cơ quan quản lý chất lượng MBH  tại TP. HCM, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đề xuất các giải pháp cụ thể cho công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm gồm:

- Xem xét bổ sung vào Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02: 2008/BKHCN về các đặc tính kỹ thuật liên quan đến mức chất lượng của các linh kiện cấu thành mũ bảo hiểm, sửa đổi các mức giới hạn liên quan đến an toàn cho phù hợp với kết cấu, kiểu dáng mũ bảo hiểm và điều kiện giao thông tại Việt Nam;

- Mũ bảo hiểm là một loại hàng hóa bảo vệ trực tiếp đến sức khoẻ của người sử dụng nên chất lượng mũ bảo hiểm cần được kiểm soát thường xuyên. Vì vậy, cần đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các phòng kinh tế quận , huyện  để có thể triển khai kiểm tra được tất cả các đơn vị kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn;

- Nghiên cứu, chế tạo các dụng cụ có thể kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu liên quan đến an toàn của mũ bảo hiểm khi lưu thông trên thị trường;

- Hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng để các sản phẩm ổn định và đảm bảo về chất lượng;

- Áp dụng biện pháp tích hợp dấu hợp quy với mã số sản phẩm để có thể kiểm tra nhanh chiếc mũ bảo hiểm do đơn vị nào sản xuất thông qua sử dụng dịch vụ tin nhắn;

- Tăng cường biện pháp tịch thu, tiêu hủy các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán tại các lề đường;

- Tăng cường và thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung và MBH nói riêng cho các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cửa hàng phân phối MBH  hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc;

- Cơ quan truyền thông phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức xã hội  thực hiện chương trình hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết mũ bảo hiểm đạt chất lượng  và  đội  MBH đúng  cách để đảm bảo an toàn cho người đội;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bằng cách phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp nhằm giải quyết triệt để và kịp thời  các vi phạm phát hiện qua từng đợt thanh tra, kiểm tra./.

 

 

Lê Đình Tùng và nhóm chuyên gia