Trên thực tế, hoạt động kinh doanh tại Việt nam đang rất phát triển, nhưng đại đa số người tiêu dùng (NTD) chưa biết đến khái niệm Quyền của NTD, cũng như cách thức sử dụng quyền đó. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới, nước ta chuyển mạnh từ nên kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Cũng từ đây, quan hệ mua bán, giao dịch giữa một bên là nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ với một bên là người bỏ tiền ra mua hàng hóa và dịch vụ để phục vụ cho sinh hoạt, tiêu dùng của cá nhân, gia đình và tổ chức đã được xác lập với vai trò ngày càng được nâng cao của NTD.
Hiện nay, quyền lợi của NTD bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng, trở nên phổ biến với tính chất phức tạp, nhất là vấn đề làm hàng giả, hàng kém chất lượng để đánh lừa NTD, quảng cáo gây nhằm lẫn, quảng cáo gian dối, khuyến mại không trung thực và lừa đảo trên mạng/net…từ chối bảo hành, thoái thác trách nhiệm đối với hàng hóa và dịch vụ của mình… Tuy nhiên, NTD chưa nhận thức được quyền lựa chọn hàng hóa, quyền được cung cấp các thông tin trung thực được đảm bảo an toàn về sức khỏe, môi trường, có quyền đòi bồi thường thiệt hại, phát hiện tố giác hành vi gian lận về chất lượng sản phẩm cũng như hành vi gian dối khác. Chính vì vậy, bảo vệ quyền lợi NTD không phải chỉ một tổ chức nào hay chỉ cá nhân NTD, mà bảo vệ quyền lợi NTD là trách nhiệm của toàn xã hội; đồng thời mọi người chúng ta cũng cần thấy rằng: Bảo vệ NTD cũng chính là bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chân hính.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ NTD. Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại ý nghĩa:” Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới”; triển khai các văn bản có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời các đại biểu cũng đã kiểm điểm lại vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh nhà. Từ ngày thành lập đến nay,mặc dù Hội có nhiều nổ lực cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu khá tốt, nhất là công tác phối kết hợp với các ngành trong việc tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Nghị định, văn bản có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Song song đó giải quyết gần 20 vụ việc tranh chấp về giao dịch hàng hóa, dịch vụ thực hiện không đúng cam kết, tiêu chuẩn, chất lượng, thời gian bảo hành. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu chỉ ở mức khiêm tốn, chỉ dừng lại chủ yếu ở khu vực trung tâm tỉnh, chưa hình thành được Phòng tư vấn và tổ chức Hội ở tuyến huyện. Chất lượng hoạt động của tổ chức Hội chưa ngang tầm với nhiệm vụ và trong thực tế việc giải quyết khiếu nại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, bất cập. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chưa biết mình có những quyền gì, khi các quyền bị vi phạm, thì không biết phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như thế nào, ở đâu.
Đồng chí Hồ Văn Huân ghi nhận những cố gắng và đóng góp mà Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt được trong thời gian qua. Song, trong thời gian tới, để nhận thức của người tiêu dùng được nâng lên và quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ ngày càng tốt hơn, đồng chí lưu ý sắp tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh cần: Tập trung đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục và phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục với nhiều cấp độ, nhiều hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách an toàn. Cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để tự bảo vệ chính mình, cũng như nhằm nâng cao cho cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng. Xúc tiến thành lập Phòng tư vấn của tỉnh và hướng dẫn hình thành Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện…
T.Tuệ